Những cách sử dụng đồng hồ đeo tay sai lầm cần tránh

Ông bà ta có câu: “Của bền tại người”. Câu nói đó đúng trong sử dụng nhiều món đồ khác nhau, đồng hồ là món trang sức không ngoại lệ. Mua một chiếc đồng hồ đẹp, chất lượng chưa đủ, cần phải biết sử dụng đúng cách để món phụ kiện đeo tay này có được tuổi thọ lâu dài.

Những cách sử dụng đồng hồ đeo tay sai lầm cần tránh



1 – Đeo đồng hồ khi đang hoạt động mạnh

Trừ đồng hồ số (đồng hồ điện tử có mặt hiển thị LCD, LED…), các mẫu đồng hồ được thiết kế cho thể thao thì các loại đồng hồ thông thường đều khá nhạy cảm với các hoạt động mạnh. Vung tay quá đà khi chơi thể thao, dùng máy cưa, máy khoan, … để đồng hồ gặp rung lắc mạnh đều khiến cơ chế bị ảnh hưởng.



Nhất thời, thỉnh thoảng thì không sao, cùng lắm là sai số nhiều hơn một ít nhưng tiếp diễn liên tục trong thời gian dài thì đồng hồ chết chỉ là vấn đề sớm hay không sớm. Đặc biệt là các loại đồng hồ cơ vốn có tiếng là chịu chấn động kém.
2 – Thiết lập lịch vào thời gian cấm

Một điều cấm kỵ khi dùng đồng hồ kim đó là điều chỉnh Lịch Ngày vào các khoảng thời gian lịch tự động nhảy. Việc này chẳng những làm đồng hồ của bạn sai tất cả các lịch có trên đồng hồ mà sẽ gây ra hư hỏng cơ chế nặng nếu cứ tiếp diễn nhiều lần. 



Hậu quả khá nghiêm trọng với đồng hồ pin cực kỳ phức tạp và cực kỳ nghiêm trọng với đồng hồ cơ. Tùy thương hiệu, bộ máy mà thời gian cấm, cách tốt nhất và không cần phải nhớ quá nhiều đó là chỉ chỉnh lịch ngày, lịch thứ vào buổi sáng (8 giờ sáng đến 11 giờ sáng).
3 – Dùng quá nhiều chức năng cùng một lúc

Khi chưa biết sử dụng các chức năng, những “người mới” thường hay mò mẫm nghiên cứu và không ít trường hợp phải đem đến nơi bảo hành sửa chữa vì vọc quá làm hỏng đồng hồ. Rất nhiều trường hợp trong số đó là dùng loạn chức năng các mẫu đồng hồ đa năng.

Bạn đừng bao giờ vừa kéo núm điều chỉnh, vừa bấm các loại nút khác (trong đồng hồ kim) hoặc điều chỉnh, bấm loạn các chế độ (trong đồng hồ số). Có khi đồng hồ đứng, lỗi một chút rồi chạy lại bình thường nhưng điều đó không có nghĩa là nó có thể tiếp tục chịu đựng việc bạn cứ mãi làm nó loạn não đâu đấy.



Hãy nhớ, hạn chế để các nút của đồng hồ bị cần khi đeo, cất giữ, không biết dùng chức năng thì hãy xem hướng dẫn sử dụng kèm theo hoặc liên hệ với trung tâm dịch vụ chính hãng, nơi bán đồng hồ chứ đừng làm vọc sĩ nhé.
4 – Lên giây cót và chỉnh giờ khi đang đeo

Nhiều người sợ mất công tháo đồng hồ ra nên cứ vừa đeo trên tay vừa lên dây cót hoặc điều chỉnh thời gian. Mặc dù nó không có vẻ gì là gây nguy hại vì bạn vẫn lên dây cót tốt, điều chỉnh thời gian chính xác nhưng mối nguy hiểm nhỏ đã tích tụ và mối nguy hiểm lớn đã tiềm tàng nếu cứ tiếp tục.

Mối nguy hiểm nhỏ tích tụ chính là góc độ vặn núm, điều chỉnh không đúng góc độ khiến núm bị cong vênh dần theo thói quen tư thế của bạn đến một ngày nào đó nó cong ra mặt thì xem như bạn đã giết chết đồng hồ một cách chậm rãi.

Mối nguy hiểm lớn tiềm tàng đó chính là các tư thế kéo núm, vặn núm đi đang đeo cực dễ khiến cho núm bị kéo ra ngoài, đặc biệt là khi bạn vừa di chuyển vừa vặn/kéo núm, rất có khả năng bạn sẽ kéo núm “lố” hoặc vặn dây cót quá đà.

5 – Sử dụng các nút bấm và núm điều chỉnh dưới nước

Trừ khi được thiết kế đặc biệt, còn lại tất cả đồng hồ chống nước khủng đến đâu đều không được bấm nút, vặn núm ở dưới nước vì khi bạn làm như thế đồng hồ sẽ có khe hở và nước sẽ đi vào ngay tức khắc. Đồng hồ cơ sẽ ngừng hoạt động hoặc bị gỉ sét thời gian sau đó, đồng hồ pin sẽ chết ngay tức khắc.

Hãy chắc chắn rằng núm điều chỉnh của bạn được vặn chặt, cả núm điều chỉnh và nút bấm đều không bị cong vênh trước khi xuống nước. Nếu bạn cần đo thời gian ở dưới nước, bạn có thể chọn các loại đồng hồ có niềng xoay hỗ trợ đếm thời gian thủ công.
6 – Cưỡng bức đồng hồ nạp năng lượng

Đồng hồ tự động được thiết kế để nạp năng lượng khi tay chuyển động tự nhiên nhưng nhiều người cố tình lắc mạnh tay đeo đồng hồ tự động hoặc cầm và lắc đồng hồ liên tục để nạp năng lượng trong một lần để khỏi mất công đeo 8 tiếng/ngày.



Một số đồng hồ tự động có hỗ trợ lên dây cót bằng tay và nhiều người đã lợi dụng đặc điểm này để vặn núm lên dây cót cho đồng hồ thường xuyên, lên dây cót khi đồng hồ còn đang hoạt động.

Đối với tất cả các trường hợp trên, mỗi lần bạn làm như thế thì đồng hồ tự động của bạn càng tiến dần đến cái chết, hãy để đồng hồ tự động nạp năng lượng một cách tự nhiên. Với các mẫu có hỗ trợ lên dây cót thì chỉ lên dây cót khi đồng hồ dừng hoạt động và càng ít làm điều này càng tốt.

7 – Kính vỡ không thay ngay và núm cong vênh

Kính nứt, núm điều chỉnh nút bấm bị cong vênh, nắp lưng hở, … bất kỳ sự biến dạng bề ngoài nào của mặt đồng hồ đều sẽ khiến đồng hồ của bạn bị bụi, ẩm xâm nhập. Khi không có sự cố bất ngờ, đồng hồ của bạn sẽ từ từ gỉ sét, chạy sai còn khi có sự cố bất ngờ (đổ nước, gặp mưa…) thì nó rất có khả năng lăn đùng ra chết.

Những thói quen đúng đắn sẽ là cách bảo quản tốt nhất cho chiếc đồng hồ cưng của bạn, là cách phòng chống những hỏng hóc đáng tiếc. Hãy ghi nhớ và tránh những cách làm sai lầm trên để đồng hồ trên tay được bền bỉ.
© Copyright © 2016 By Blogger Templates